Vài năm gần đây, xu hướng tặng quà tết bằng sản vật nổi tiếng ở các tỉnh thành Việt Nam đang ngày càng được ưu chuộng. Các loại thực phẩm an toàn, chất lượng đặc trưng cho địa phương dần được ưa chuộng hơn rượu ngoại, bánh ngoại. Đây là cơ hội cho nông dân và những nhà kinh doanh không nhiều vốn nhưng nhanh nhạy với nhu cầu mới.
Giỏ rượu tết Tài Lộc 2020 (ảnh Rượu Ông Đường)
Năm nay, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Mậu Tuất cách nhau một tháng rưỡi, thời gian nghỉ tết dự kiến khoảng 7 ngày, do đó nhu cầu mua sắm tết dự kiến sẽ tăng cao từ đầu tháng 2/2020. Giới kinh doanh thực phẩm TP.HCM hiện đã tất bật tìm kiếm nguồn hàng, quảng bá mạnh mẽ trên các mạng xã hội.
Sự tăng trưởng của tầng lớp trung lưu đô thị cũng khiến thị trường tết đa dạng hơn nhiều so với các năm trước. Thực phẩm hữu cơ, rượu nếp cái hoa vàng, rau củ sạch, tỏi Lý Sơn, thịt gác bếp miền núi phía bắc… đều có thể trở thành quà tết giá trị cao.
Chị Trần Ngọc Anh – chủ một cửa hàng thực phẩm miền Trung trên đường Cách Mạng Tháng Tám, quận 1, TP.HCM cho biết: “Khách quen của cửa hàng đã liên tục hỏi về quà quê sạch, ngon, những món đặc sản trứ danh để dùng dịp tết và biếu, tặng. Thay vì mua rượu ngoại, bánh ngoại thì năm ngoái, năm nay, nhiều người đã đặt mua rượu quê, cam, bưởi, gạo, tôm, cá, thịt heo tộc… để làm quà tết”.
Tại một cửa hàng đặc sản Đà Lạt gần đó, giỏ quà tết làm hoàn toàn từ các loại nông sản đặc trưng của xứ sương mù với atiso, dưa leo baby, cà chua tí hon… cũng sắp được tung ra. Tuần lễ trước tết năm ngoái, cửa hàng này đã có doanh thu bằng cả vài tháng bình thường do tận dụng được mạng xã hội và đánh trúng nhu cầu ăn tết “thanh đạm” của bộ phận không nhỏ giới văn phòng.
So với quà tết là hàng ngoại nhập thì sản vật Việt Nam thật ra không rẻ chút nào. Các loại đặc sản biển như tôm nõn khô, cá chỉ, cá thu một nắng có giá cả triệu đồng một phần. Tỏi Lý Sơn loại cao cấp bán 1,2 triệu/kg, riêng loại có màu đen dao động khoảng 1,4 – 2,5 triệu đồng. Các đặc sản cao cấp hơn như sá sùng, yến sào cũng lên đến vài ba triệu đồng một phần quà.
Ngoài ra, tiêu chí “an toàn, lạ miệng” của một bộ phận lớn người trẻ tuổi cũng giúp cho thị trường thực phẩm tết thêm sôi động. Các loại mứt vỏ bưởi, mứt vỏ cam, mứt vỏ dưa hấu sau khi được người tiêu dùng đón nhận vào tết năm ngoái thì năm nay đã xuất hiện rộng rãi hơn.
Theo Sở Công thương TP.HCM, với xu hướng người tiêu dùng yêu thích các sản vật địa phương nên năm nay nhiều doanh nghiệp đầu tư, tăng sản lượng để phục vụ người tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán. Ngày 23/11, Sở Công thương đã công bố kế hoạch chuẩn bị, sản xuất, dự trữ cung ứng hàng hóa cho 2 tháng Tết Nguyên đán của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.
Theo bà Nguyễn Huỳnh Trang – Phó giám đốc Sở Công thương, năm nay, Thành phố sẽ có thêm nhiều hàng hóa đặc sản từ các tỉnh như Đồng Nai, Bình Dương, Lâm Đồng, Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang… Đồng thời, lượng hàng hóa cũng dồi dào, ổn định, chất lượng cao, giá cả hợp lý hơn. Nhiều nhóm hàng được dự trữ với sản lượng lớn, chiếm từ 32 – 55% nhu cầu thị trường như: thịt – trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, thịt gia súc, gạo, dầu ăn… Thành phố cũng đảm bảo nhiều nhóm thực phẩm tươi sống (thịt heo, thịt và trứng gia cầm, rau củ quả…) đã thực hiện kiểm tra qua truy xuất nguồn gốc tại các hệ thống siêu thị.
Riêng lượng hàng nhập tại 3 chợ đầu mối nông sản thực phẩm là Bình Điền, Hóc Môn, Thủ Đức đều dự báo bình quân tăng khoảng 80% so với ngày thường, lên đến 15.000 – 16.000 tấn/ngày.
Hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn TP.HCM cũng đã xây dựng kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng hóa phục vụ tết, với số lượng tăng 2 – 3 lần so với tháng thường.
Theo Doanh Nhân Sài Gòn